BAO LÂU THÌ PHẢI BẢO DƯỠNG XE ĐẠP MỘT LẦN?

Mang xe đạp đi khám thường xuyên và bảo dưỡng định kỳ giúp nâng cao hiệu suất sử dụng, tăng độ an toàn và kéo dài tuổi thọ xe có thể là một thói quen còn mới mẻ với nhiều người, tương tự như khám sức khoẻ định kì vậy.

Xã hội phát triển, kinh tế đi lên, người Việt ta đã có nhiều người dư dật hoặc đơn giản là thức thời văn minh nên thường xuyên đi khám sức khoẻ định kì, tầm soát tiền ung thư để phát hiện sớm, điều trị bệnh kịp thời. Nhưng cũng vẫn có nhiều người không đi khám khi thấy có triệu chứng vì nỗi sợ biết mình bị bệnh hoặc sợ khi đến bệnh viện khám bệnh này bác sĩ lại moi ra một đống bệnh khác lại tốn tiền, thêm lo lắng. Đây là sự thật 100%. 

Âu cũng là cái Liễn, mỗi người mỗi quan điểm, mỗi cách sống, cũng chẳng biết ai đúng ai sai. Những năm trước em còn có thể chém gió Đông Tây, bàn quốc gia đại sự hay phê bình phán xét. Còn năm nay, khi đã được con cái tự hào khai trong hồ sơ nhập học ở trường "Bố con làm nghề sửa chữa xe đạp" (hộ cận nghèo) thì em cũng chẳng dám bàn sâu xa gì nữa. Hôm nay em chỉ bàn về đúng chuyên ngành để giúp các bác hiểu và biết cách chăm sóc chiếc xe đạp của mình cho đúng cách mà thôi.

Em trả lời luôn câu hỏi "Bao lâu cần bảo dưỡng xe đạp một lần" cho các bác khỏi sốt ruột. Nó có 3 mục sau:

1. Kiểm tra bảo dưỡng định kỳ: Xe nào cũng nên định kỳ đi kiểm tra, khám tổng quát, theo số km chứ không phải theo ngày tháng và tuỳ theo chẩn đoán mà quyết định nên bảo dưỡng từng bộ phận hay bảo dưỡng tổng thể hoặc thay thế phụ tùng khấu hao. Thông thường xe tốt thì dưới 1 vạn km không cần bảo dưỡng tổng thể nếu rửa xe, sử dụng đúng cách. 

Em đã gặp một chiếc xe Trecking Bike của Đức sau 6 năm sử dụng mà khi bảo dưỡng tháo ra chỉ để ngắm rồi lại đóng vào do các chi tiết ổ bi còn nguyên mỡ như lúc xuất xưởng. 

Cho nên, cũng tuỳ dòng xe, tuỳ loại phụ tùng ráp trên xe, tuỳ khí hậu vùng miền mà quyết định việc bao lâu cần bảo dưỡng 1 lần. Vấn đề này rất phức tạp, nôm na là xe đua vì muốn nhẹ nên thiết kế các vị trí quay hở hơn để giảm ma sát nên dễ bị dính nước, dính bụi do vậy cần phải bảo dưỡng thường xuyên, thậm trí đạp trong mưa một buổi là đã cần phải bảo dưỡng trục bánh xe. Xe Tuoring, dòng xe lữ hành được thiết kế để đi dài ngày, tuy nặng nề nhưng các phụ tùng được lựa chọn thường có độ bền với môi trường cao, có thể dầm mưa dãi nắng dài ngày do vậy có thể đi liên tục cả năm mà chưa cần bảo dưỡng. Nói về vùng miền và khí hậu, bác nào ở vùng ven biển thì đương nhiên hơi muối và cát bụi nhiều dễ phá hỏng xe do vậy quy trình bảo dưỡng và loại mỡ sử dụng cũng sẽ khác các bác miền núi trung du v.v.

2. Xe mới: Sau 500km đầu tiên cần đến trung tâm bảo hành hoặc xưởng xe được uỷ quyền để kiểm tra, canh chỉnh, siết lại ốc, cân lại vành theo tiêu chuẩn và quy trình. Tha thiết, khẩn khoản mong các bác đừng xem thường giai đoạn này, ô tô hay xe máy đều có quy định cho việc kiểm tra lần đầu. Xe đạp được lắp thủ công không tránh khỏi sai sót hoặc do quá trình mới sử dụng có thể gây ra lỏng ốc, bó trục v.v, nếu phát hiện sớm, căn chỉnh lại chuẩn thì xe bạn sẽ vận hành trơn tru, an toàn và kéo dài tuổi thọ. 

3. Xe cũ (bao gồm xe bãi, xe đã qua sử dụng): nên đi kiểm tra thậm trí bảo dưỡng tổng thể luôn vì bạn không biết lòng mề bên trong xe thế nào, nên dũng cảm đối mặt một lần để có chiếc xe ngon. Các bác cứ tin em, thủ thuật buôn xe cũ em cũng trong nghề nên hiểu.

Nói đến lúc này, có lẽ nhiều bác lại hoang mang. Em xin tổng kết ngắn gọn như này: 

Muốn chăm sóc chiếc xe đạp của mình đúng cách, hay nói chung muốn chăm sóc vợ hai, người yêu cho đúng cách thì các cô bác tối thiểu cũng phải hiểu rõ về đối phương. Các bác không cần phải hiểu biết như chuyên gia bàn phím, chém gió về xe này xe kia, phanh này phanh nọ làm gì. Đa số những người hay bình luận chê bai vào các bài hỏi về xe đạp mà em gặp thì đa số đều là thầy bói xem voi, chưa trải nghiệm đúng các khía cạnh mà chỉ nghe đài rồi truyền thanh lại. 

Các bác chỉ cần tập lắng nghe chiếc xe nói, xem nó kêu ở đâu khác lạ, bánh trước quay trơn không, bánh sau quay thế nào, quay thử đùi đạp xem thử nó nhẹ hay nặng. Thế là quá đủ. Sửa chữa hay để người có chuyên môn.

Nếu các bác vẫn không biết lắng nghe và cảm nhận "vợ hai" mình nói gì thì hãy cứ mang ra xưởng xe cho người có chuyên môn khám thử nhé.

Chúc các bác luôn vui khoẻ!

Tin trước Tin tiếp theo

Giỏ hàng trống close